Category Archives: Science policy

Huy chương Dirac của ICTP năm 2018

Tôi cảm thấy rất vinh dự là một trong ba người được Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) trao huy chương Dirac năm 2018. Tôi rất vui là cùng nhận giải với tôi là hai người đồng nghiệp tôi rất kính trọng, Subir Sachdev và Xiao-Gang Wen. Giải thưởng còn có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì ICTP là một tổ chức đã giúp nhiều nhà khoa học từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp xúc với cộng đồng khoa học quốc tế.

Tôi muốn nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy cô, và chân thành cảm ơn đồng nghiệp, bạn bè, người thân đã tin, ủng hộ và giúp đỡ tôi suốt những năm qua.

Tôi cũng muốn chia sẻ đôi chút về công việc của mình. Thời gian sắp tới, cùng với đồng nghiệp và học trò, tôi sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu các hiện tượng lượng tử trong các hệ nhiều hạt, đặc biết là các hệ tương tác mạnh. Bài toán về tương tác mạnh trong vật lý nhiều hạt là một bài toán khó và quan trọng đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có vật lý hạt nhân và khoa học vật liệu. Rất nhiều khả năng là những phương pháp ta dùng hiện nay, bao gồm những phương pháp đối ngẫu mà tôi tham gia phát triển, sẽ chỉ là một phần nhỏ của những công cụ người ta sử dụng trong tương lai.

Về lâu dài, tôi muốn tìm tòi học hỏi về các lĩnh vực khác nhau của vật lý và khoa học nói chung, không nhất thiết liên quan trực tiếp đến những đề tài hiện nay tôi đang nghiên cứu.

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến mối quan tâm lớn của tôi là sự phát triển của ngành Vật lý Việt Nam. Tôi đang cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước bàn bạc, tìm cách cải thiện ngành vật lý Việt Nam hiện nay. Chúng ta có tiềm năng, và tôi tin rằng tương lai của ngành vật lý ở Việt Nam sẽ rất xán lạn nếu chúng ta có một chính sách đúng đắn nhằm thu hút được những tài năng trẻ và tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng của mình. Tôi rất mong có được sự ủng hộ thiết thực từ phía nhà nước để sớm ra được một chính sách như vậy.

Khuyến khích versus tạo cơ hội

Nghe bên lề hội nghị “Windows on the Universe 2013” ở Quy Nhơn. Phóng viên phỏng vấn giáo sư David Gross (giám đốc Viện vật lý lý thuyết Kavli ở Đại học California, Santa Barbara, giải Nobel Vật lý năm 2004).

Phóng viên: What should we do to encourage young people to go to science?

David Gross: Young people don’t really need a lot of encouragement; they need opportunities. I was in Ho Chi Minh City and I met many young students who want to enter science. What you need to do is to provide more opportunities for them.

Tin tức từ hội nghị Gặp gỡ Việt Nam 2013

Trích bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc tại lễ khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục lên ngành tại Quy Nhơn (ICISE), 12/8/2013:

…Giai đoạn sắp đến, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành còn tiếp tục xây dựng thêm nhiều các hạng mục, nhất là nhà chiếu hình vũ trụ, nhà nghỉ và các hạng mục khác để đảm bảo công trình được liên hoàn, khép kín và đầy đủ tiện nghi nhằm phục vụ lâu dài, ổn định cho các hội nghị, hộ thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và nhiều hoạt động bổ ích khác với kiến trúc hoành tráng, hài hoà với thiên nhiên thơ mộng. Tuy nhiên, nguồn khinh phí của Giáo sư Vân và của Hội Gặp gỡ Việt Nam rất hạn chế. Vì vậy, thay mặt cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Định, kính đề nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ nghành Trung ương liên quan quan tâm hỗ trợ để Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Hội Gặp gỡ Việt Nam vượt qua khó khăn, có thêm nguồn kinh phí, sớm hoàn chỉnh các hạng mục công trình còn lại, góp phần động viên và khích lệ Hội Gặp gỡ Việt Nam hoạt động có hiệu quả. Nhân dịp này, tôi cũng kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ cho Hội Gặp gỡ Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần để Hội có đủ điều kiện tổ chức các sự kiện khoa học tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày càng đạt kết quả tốt đẹp…

Viện Hàn lâm

Một trong những tin cuối năm nay là Thủ tướng đã ban hành nghị định về chức năng và quyền hạn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Cụm từ “Viện Hàn lâm” vẫn được dùng trong tiếng Việt  để dịch tên các tổ chức khoa học uy tính nhất, quy tụ các nhà khoa học lớn nhất ở các nước phát triển. Viện Hàn lâm khoa học Nga được  hoàng đế Piotr I thành lập năm 1724, trong những thành viên đầu tiên là có anh em Bernoulli và Euler. Viện Hàn lâm khoa học Pháp do vua Louis XIV thành lập năm 1666 và Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ do tổng thống Lincoln thành lập năm 1863 đều là những tổ chức rất có uy tín. Tôi luôn hy vọng ở Việt Nam sẽ có một tổ chức có uy tín như thế.

Nhưng đọc Nghị định thì có thể đoán là Chính phủ chưa định lập ra một tổ chức như vậy. Điều 1, khoản 1 của Nghị định quy định “Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ”, không giống ở các nước trên, nơi Viện Hàn lâm là tổ chức độc lập. Ví dụ sắc lệnh năm 1991 của tổng thống Nga Yelsin quy định “Viện Hàn Lâm khoa học Nga là tổ chức tự quản lý (самоуправляемая), hoạt động trên cơ sở pháp luật Liên bang Nga và điều lệ của bản thân Viện.”

Có lẽ là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Viêt Nam là cái tên mới của một tổ chức đã có, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên tôi không tìm thấy quyết định đổi tên Viện này thành Viện Hàn lâm, hay quyết định thành lập Viện Hàn lâm. Tôi chỉ tìm thấy mỗi nghị định nói trên nhưng trong nghị định không thấy viết là căn cứ vào quyết định thành lập hay đổi tên nào. Bạn nào biết những văn bản đó ở đâu xin chỉ giúp.

Một điểm đáng chú ý trong Nghị định trên là Điều 2 về Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Hàn lâm. Trong hai nhiệm vụ đầu tiên có “Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…” và “Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới, đổi tên, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thuộc thẩm quyền của Thủ tướng”. Hình như có sự nhầm lẫn giữa nhiệm vụ của Viện và một số việc của ông/bà Viện trưởng.

Thư của Kapitsa về khoa học (4). Về việc đối xử với các nhà khoa học bất đồng quan điểm

Trích thư gửi Yuri V. Andropov, chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia (KGB)

Ngày 11 tháng 11 năm 1980, Moskva

Yuri Vladimirovich kính mến,

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, tôi vô cùng lo lắng về tình cảnh và số phận của hai nhà vật lý lớn ở nước ta — A. D. Sakharov và Yu. F. Orlov. Tình hình hiện nay có thể được mô tả đơn giản như sau: Sakharov và Orlov đã đem lại những cống hiến to lớn bằng hoạt động khoa học, nhưng những hoạt động của họ như những người bất đồng quan điểm bị coi là có hại. Hiện nay họ đang bị đặt vào hoàn cảnh không thể có bất kỳ một hoạt động gì. Tóm lại, họ không thể mang lại lợi ích cũng như tác hại. Thử hỏi làm như thế có lợi cho đất nước hay không? Trong thư này tôi sẽ thử phân tích thật khách quan câu hỏi này.

Nếu hỏi các nhà khoa học, thì họ sẽ trả lời dứt khoát là việc những nhà khoa học lớn như Sakharov và Orlov bị tước mất khả năng nghiên cứu khoa học bình thường đang đem lại thiệt hại cho loài người. Nếu hỏi các nhà hoạt động xã hội, những người thường ít khi biết đến hoạt động khoa học của các nhà bác học này, thì họ sẽ đưa ra nhận định ngược lại về tình trạng hiện nay.

Trong lịch sử văn hoá loài người, từ thời Socrat đến nay, có không ít trường hợp người ta kịch liệt chống những người bất đồng quan điểm. Để giải quyết khách quan vấn đề đặt ra tất nhiên cần cân nhắc nó trong bối cảnh xã hội cụ thể của đất nước. Trong hoàn cảnh chúng ta đang xây dụng một chế độ xã hội mới, tôi nghĩ đúng đắn nhất là căn cứ vào quan điểm của Lênin, vì đó là quan điểm toàn diện của một người không những là một nhà tư tưởng nổi tiếng, một nhà khoa học, mà còn là một nhà hoạt động xã hội lớn. Cách đối xử của Lênin với các nhà khoa học trong những trường hợp tương tự được nhiều người biết đến. Điều này được thể hiện rõ ràng và đầy đủ nhất qua cách Lênin đối xử với I. P. Pavlov.

Sau cách mạng, ai cũng biết về sự bất đồng quan điểm của Pavlov, không chỉ ở nước ta mà cả ở nước ngoài. Ông cố tình phơi bày công khai thái độ không tán thành chủ nghĩa xã hội của mình. Ông đã phê phán, thậm chí chửi lãnh đạo không e dè bằng những lời phát biểu rất gay gắt; ông làm dấu thánh khi đi qua nhà thờ, đeo các huy chương của Nga Hoàng trao tặng, những huy chương mà trước cách mạng ông không thèm để ý đến, v.v. Nhưng Lênin không mảy may để ý đến những biểu hiện bất đồng quan điểm của Pavlov. Đối với Lênin, Pavlov là một nhà khoa học lớn, và Lênin đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo điều kiện làm việc tốt cho công việc khoa học của Pavlov. Ví dụ, mọi người đều biết, các thí nghiệm quan trọng về phản xạ có điều kiện được Pavlov tiến hành trên chó. Vào những năm 1920, thực phẩm ở Petrograd thiếu trầm trọng, nhưng theo chỉ thị của Lênin, thức ăn để nuôi các con chó thí nghiệm của Pavlov vẫn được cung cấp bình thường…

Tôi còn biết hàng loạt những trường hợp khác mà Lênin quan tâm đặc biệt tới các nhà khoa học. Điều này được biết qua những thư Lênin gửi K. A. Timiryazev, A. A. Bogdanov, Carl Steinmetz v.v…

…Cần phải đối xử với những người bất đồng chính kiến một cách trân trọng và thận trọng như Lênin đã làm. Sự bất đồng quan điểm liên quan chặt chẽ đến hoạt động sáng tạo của con người, mà hoạt động sáng tạo trong mọi lĩnh vực văn hoá lại đảm bảo sự tiến bộ của nhân loại.

Có thể nhận ra dễ dàng là nguồn gốc của tất cả các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người chính là sự bất mãn với hiện trạng. Ví dụ, nhà khoa học không thoả mãn với trình độ nhận thức hiện tại trong lĩnh vực khoa học mà anh ta quan tâm, và anh ta đi tìm những phương pháp nghiên cứu mới. Nhà văn không hài lòng với mối quan hệ giữa người với người trong xã hội hiện tại, và anh ta cố gắng dùng nghệ thuật để tác động lên cấu trúc xã hội và đến hành vi của con người. Người kỹ sư không thoả mãn với giải pháp kỹ thuật đang có và đi tìm những dạng kết cấu mới để giải quyết vấn đề. Nhà hoạt động xã hội không bằng lòng với  các văn bản luật và ước lệ đang được sử dụng để xây dựng nhà nước, và đi tìm những hình thức mới để vận hành xã hội, v.v.

Tóm lại để xuất hiện ước muốn sáng tạo, thì cơ bản là phải có sự bất mãn với hiện trạng, nghĩa là cần trở thành người bất đồng ý kiến. Điều này đúng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Tất nhiên, người bất mãn thì nhiều, nhưng để có thể thể hiện mình một cách có hiệu quả trong hoạt động sáng tạo thì còn cần có tài năng. Cuộc sống cho thấy là có rất ít tài năng lớn, và vì thế cần tôn trọng và nâng niu bảo vệ họ. Kể cả khi có lãnh đạo tốt thì điều này cũng khó thực  hiện. Khả năng sáng tạo lớn còn đòi hỏi tính cách mạnh, và điều đó dẫn đến những cách thể hiện bất mãn gay gắt, vì thế người tài thường là “ngang”.  Ví dụ, hiện tượng này hay thấy ở các nhà văn lớn, vì họ rất thích tranh cãi và thích phản kháng. Trên thực tế, hoạt động sáng tạo thường không được tiếp đón nhiệt tình lắm, vì đa số mọi người là bảo thủ và ưa một cuộc sống phẳng lặng.

Kết quả là biện chứng phát triển văn hoá của loài người bị kẹt trong mâu thuẫn giữa sự bảo thủ và sự bất đồng quan điểm, và điều này xảy ra ở mọi thời đại và trong mọi lĩnh vực hoạt động văn hoá của con người…

…Công việc sáng tạo lớn thường mang tính chất tư tưởng và không bị lung lay bởi những biện pháp hành chính hay bạo lực. Lênin đã chỉ rất rõ phải xử lý thế nào trong những trường hợp như thế qua cách ông đối xử với Pavlov. Lịch sử chứng minh rằng Lênin đúng khi đã lờ đi những biểu hiện bất đồng quan điểm gay gắt  của Pavlov trong các vấn đề xã hội, trong khi vẫn rất trân trọng cá nhân cũng như hoạt động khoa học của Pavlov. Điều đó dẫn đến kết quả là trong thời Xôviết, Pavlov với tư cách là nhà sinh lý học đã không hề gián đoạn những nghiên cứu xuất sắc của mình về phản xạ có điều kiện, những nghiên cứu cho đến nay vẫn còn vai trò dẫn dắt trong khoa học thế giới. Còn về những vấn đề liên quan đến xã hội thì tất cả những gì Pavlov nói đã bị lãng quên từ lâu.

…Không biết tại sao bây giờ chúng ta lại quên những di huấn của Lênin trong cách đối xử với các nhà khoa học…