Category Archives: Science policy

Thư của Kapitsa về khoa học (3). Về việc trả lương cho người làm khoa học.

Sau khi trở thành giám đốc Viện các vấn đề Vật lý, Kapitsa đã viết nhiều thư cho lãnh đạo Xô-viết than phiền về cơ chế tài chính quá cồng kềnh và cứng nhắc ở Nga. Trong một thư Kapitsa có viết là công việc kế toán mà thư ký của ông ở Anh làm chưa đến 2 tiếng một ngày thì ở Nga phải 5 người làm mới hết. Trong đoạn sau ông đề nghị áp dụng một cơ chế trả lương ở Viện ông giống như ở Anh.

Trích thư của Kapitsa gửi cho V.I.Mezhlauk, phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô, 26/10/1936

…Nguyên tắc cơ bản để đánh giá lao động ở Liên Xô được quy định rất rõ ràng và chính xác trong Hiến pháp Stalin [1]: hưởng theo lao động và năng lực [2]. Nguyên tắc này được áp dụng hết sức nhất quán trong phong trào Stakhanov và đưa đến những thành quả chói lọi. Nó cho mỗi cá nhân một khoảng không rộng lớn để phát triển; một người công nhân xuất sắc, biết tổ chức lao động và vượt mức khoán nhiều lần, sẽ được trả công theo lao động đúng như năng lực người đó thể hiện trong công việc.

Cách trả lương theo thang lương nhà nước như hiện hành mâu thuẫn với nguyên tắc này. Các cơ quan hành chính quan liêu thường hay tuyển những người thích làm việc yên ổn, không thích có sáng kiến, thậm chí trái lại chỉ cố gắng làm càng chính xác chỉ thị từ trên càng tốt. Với những người này, hệ thống trả lương theo thang nhà nước có lẽ là hoàn toàn bình thường. Hệ thống này được áp dụng ở ta trước đây và các nước Tây Âu hiện nay và dẫn đến một tệ quan liêu được [Guy de] Maupassant mô tả sống động mà chưa nước nào tránh được.

Đáng tiếc là chưa ai tìm được cách nào để áp dụng được phương pháp Stakhanov cho các nhân viên hành chính văn phòng, tức là căn cứ vào năng suất lao động để tăng lương.

Áp dụng thang bậc lương nhà nước cứng nhắc đối với các viện khoa học là hoàn toàn sai. Chúng tôi không chấp nhận được kiểu làm việc công chức: công việc của chúng tôi mở ra không gian rộng lớn cho việc hoàn thiện lao động, phát triển cá nhân và phát huy năng lực riêng của từng con người. Hệ thống trả lương cứng nhắc theo thang lương nhà nước hoàn toàn không phù hợp ở đây. Nhưng áp dụng hệ thống trả lương kiểu Stakhanov trong các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng không thể được. Trở ngại chính là ở chỗ công việc của chúng tôi không phải là sản xuất, nên không đưa ra được những chuẩn mực cứng để đánh giá công việc theo sản phẩm. Vì thế cần tìm những phương pháp khác. Đó là điều cơ bản.

Phương pháp đáng tin cậy duy nhất để đánh giá công việc trong một viện khoa học là dựa vào ý kiến của ban giám đốc viện, ý kiến mà theo tôi là duy nhất có thẩm quyền để định mức lương, bởi vì ban giám đốc là người giao nhiệm vụ, biết mức độ khó khăn của nhiệm vụ, và chỉ đạo công việc cho nên có thế đánh giá công việc tốt hơn bất cứ ai. Không có lối thoát nào khác.

Hệ thống thang lương nhà nước như hiện nay không thích hợp, và bằng chứng ngay trước mắt là tất cả các cơ quan khoa học đang tìm mọi cách để lách khỏi hệ thống này. Các mức lương được xào xáo, thổi phồng bằng một kiểu toán tổ hợp rất phức tạp để làm rối và trốn khỏi con mắt thanh tra của cơ quan tài chính. Phương pháp này đang được chào đón như một công cụ tự vệ tốt nhất để khỏi phải tuân theo kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt, cái kỷ luật đi ngược lại các nhu cầu cơ bản của nền khoa học. Kiểu tự lừa dối như thế làm tôi vô cùng ghê tởm…

[1] Hiến pháp Liên Xô năm 1936.

[2] Đúng ra phải là: làm theo năng lực, hưởng theo lao động.

Nguồn: http://lib.rus.ec/b/214793/read#t40

Advertisement

Thư của Kapitsa về khoa học (2). Bức thư cứu Landau

6 tháng 4 năm 1939

Đồng chí Molotov,

Trong thời gian gần đây, khi nghiên cứu hêli lỏng ở gần độ không tuyệt đối, tôi đã tìm ra một loạt các hiện tượng mới có thể sẽ làm sáng tỏ một trong những lĩnh vực bí ẩn nhất của vật lý hiện đại. Trong những tháng tới tôi định công bố một phần những công trình đó. Nhưng để làm được việc này, tôi cần được một nhà lý thuyết giúp đỡ. Ở Liên Xô, người hoàn toàn làm chủ lĩnh vực lý thuyết mà tôi cần là Landau, nhưng hiềm một nỗi là anh ta đã bị bắt từ một năm nay.

Tôi vẫn hy vọng là anh ta sẽ được thả, vì tôi phải nói thẳng ra rằng tôi không thể tin Landau lại là một tên tội phạm quốc gia. Tôi không thể tin được điều đó vì một nhà khoa học trẻ, tài năng và chói lọi như Landau, mới 30 tuổi đã nổi tiếng châu Âu, ngoài ra lại rất háo danh, và có đầy những chiến tích khoa học đến mức đó thì không thể có sức lực, cảm hứng và thời gian cho những công việc khác. Đúng là Landau có một cái miệng rất độc, và vì lạm dụng nó anh đã tạo ra nhiều kẻ thù luôn sẵn sàng gây khó dễ cho mình. Nhưng dù có tính cách khá xấu mà tôi buộc phải lưu ý đến, tôi chưa bao giờ thấy anh ta làm điều gì khuất tất.

Tất nhiên, nói ra tất cả những điều đó, tôi đang can thiệp vào những việc không phải của mình, vì lĩnh vực này là thẩm quyền của NKVD [Bộ Nội vụ]. Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ là tôi phải nêu lên những điểm bất thường sau:

  1. Landau đã ngồi tù một năm, mà việc điều tra vẫn chưa kết thúc, thời gian điều tra lâu một cách không bình thường.
  2. Tôi, với tư cách giám đốc cơ quan của anh ta, hoàn toàn không được biết anh ta bị cáo buộc tội gì.
  3. Quan trọng là đã một năm nay, không biết vì lý do gì mà khoa học, cả Xô-viết lẫn thế giới, không được có cái đầu của Landau.
  4. Landau rất ốm yếu, nếu anh ta bị bức hại một cách không cần thiết thì rất đáng xấu hổ cho những người Xô-viết chúng ta.

Vì vậy tôi muốn gửi tới đồng chí những yêu cầu sau đây:

  1. Có thể đề nghị NKVD đặc biệt chú ý xúc tiến vụ Landau không;
  2. Nếu không được, thì liệu có thể sử dụng cái đầu của Landau cho công việc khoa học trong lúc anh ta bị giam ở Butyrki [trại giam cách ly để điều tra] được không. Tôi nghe nói các kỹ sư được đối xử như vậy.

P. Kapitsa

Nguồn: Капица П.Л., Письма о науке, 1930-1980 – М.: Моск. рабочий, 1989.


Chú thích:

Landau bị bắt ngày 28/4/1938. Ngay hôm đó Kapitsa viết một bức thư cho Stalin, nhưng không có tác dụng. Sau bức thư trên đây, ngày 26/4/1939 Kapitsa được mời đến NKVD để viết đơn bảo lãnh cho Landau ra tù.

Các hiện tượng mới được nhắc đến ở đầu bức thư trên là các hiện tượng liên quan đến tính siêu chảy. Landau xây dựng lý thuyết siêu chảy của hêli trong hai bài báo năm 1941 và 1947.

Thư của Kapitsa về khoa học (1)

Pyotr Kapitsa (1894-1984) là một nhà vật lý rất nổi tiếng của Nga. Ông làm việc dưới sự hướng dẫn của Rutherford ở Cambridge, Anh, trong nhiều năm. Năm 1933 ông trở thành giám đốc đầu tiên của phòng thí nghiệm Mond. Năm 1934 ông bị giữ lại Nga trong một chuyến đi về Nga. Nhà nước Nga Xôviết mua lại toàn bộ thiết bị của phòng thí nghiệm của ông ở Anh và xây cho ông một Viện nghiên cứu mới, Viện các vấn đề vật lý, ở đó ông là giám đốc đầu tiên. Năm 1937 ông phát hiện ra tính siêu chảy của hêli lỏng, công trình sẽ được giải thưởng Nobel năm 1978. Trong những năm 1937-1938 đen tối ông là người cứu Fok và Landau ra khỏi tù. Trong chiến tranh thế giới thứ 2 ông phát hiện ra và đưa vào sản xuất một loại máy mới để chế tạo ôxy lỏng, và được trao danh hiệu Anh hùng lao động Liên Xô năm 1945. Do mâu thuẫn với Beria ông bị mất tất cả các chức vụ năm 1946. Ông được phục hồi chức giám đốc Viện các vấn đề Vật lý năm 1955. Ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về một tạp chí về khoa học cho thế hệ trẻ, sau này thành tạp chí Kvant.

Rất nhiều thư của ông đã được công bố. Nhiều bức thư liên quan đến khoa học, giáo dục rất đáng đọc và vẫn còn giữ tính thời sự. Tôi sẽ dịch một số bức thư của ông và đăng trên blog này.

Trích thư Kapitsa gửi vợ, A.A.Kapitsa

13 tháng 12 năm 1935, Moskva

Hôm qua anh đánh cờ với Aleksei Nikolaevich Bakh [1]. Cụ rất dễ mến, nhưng anh không đồng ý với cụ ở một điểm… Anh nói với cụ là tình trạng khoa học ở nước ta đang rất xấu, thì cụ bảo: “Đúng thế, nhưng làm gì được, bây giờ có nhiều thứ quan trọng hơn là khoa học…” Đây là một ví dụ điển hình của một nhà khoa học tự nguyện đẩy mình xuống hạng ưu tiên thứ nhì, thậm chí thứ ba. Anh cho rằng phải coi khoa học là một việc hết sức quan trọng và lớn lao, và cái inferiority complex này [tiếng Anh trong nguyên bản – mặc cảm tự ti, tự cho mình là không quan trọng] đang giết chết nền khoa học ở nước ta. Các nhà khoa học phải cố gắng chiếm vị trí hàng đầu trong việc phát triển văn hóa nước nhà và không lẩm bẩm “ở nước ta có những thứ quan trọng hơn”. Đánh giá cái gì là quan trọng nhất, và cần phải chú ý đến khoa học kỹ thuật đến mức nào là công việc của các nhà lãnh đạo. Còn công việc của các nhà khoa học là tự tìm chỗ đứng của mình trong đất nước và trong chế độ mới, và không đợi người khác chỉ cho mình phải làm gì. Cái thái độ như vậy rất khó hiểu và xa lạ đối với anh…

Khi anh nói chuyện với nhiều nhà khoa học, anh rất ngạc nhiên khi họ tuyên bố “Cậu được nhiều như thế thì cậu làm gì chả dễ dàng…” Và cứ như thế. Họ cứ làm như là khi mới bắt đầu sự nghiệp, những cơ hội ban đầu của anh và của họ không giống nhau. Họ cứ làm như là những gì anh có là rơi từ trên trời xuống, không phải là do anh đã bỏ ra bao nhiêu công sức, bao nhiêu nơron thần kinh mới đạt được. Về khía cạnh này con người thật hèn hạ, họ cho rằng cuộc đời không công bằng, rằng xung quanh ai cũng có lỗi trừ họ. Nhưng đấu tranh làm gì, nếu không phải chính là để ta lợi dụng hoàn cảnh sẵn có quanh ta cho việc phát triển tài năng của mình và tạo điều kiện làm việc cho mình?

Nếu chấp nhận quan điểm của Bakh & Co. thì không đi xa được…

[1] A.N. Bakh (1857-1946) là một nhà hóa sinh lớn của Nga, bạn thân của Kapitsa.

(nguyên bản xem ở http://lib.rus.ec/b/214793/read#t25)