Quy tắc sống của Novoselov

  • Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không nhận thức được rằng vật lý là chuyện nghiêm túc trong đời tôi.
  • Tôi được may mắn là các thầy cô giáo của tôi là những người nhân hậu, kiên nhẫn và  thú vị. Học sinh ở các lớp tôi dạy ít may mắn hơn nhiều.
  • Nền giáo dục Liên Xô cho bạn một khối kiến thức sâu không đâu có, nhưng bạn thậm chí không kịp nghĩ ra là đôi khi cần nhảy ra khỏi hố sâu kiến thức đó để nhìn ngó xung quanh.
  • Tôi  dùng tiếng Anh trả lời các bức thư viết bằng tiếng Nga – đơn giản là vì tôi đã đổi bàn phím Nga sang hộ chiếu Anh.
  • Tôi vẫn cảm thấy 100% mình là người “sinh ra ở Liên Xô”. Nhưng cứ luận theo theo những gì đang diễn ra ở Nga thì tôi cũng sẽ chết ở Liên Xô.
  • Tôi làm quen với vợ  mình khi đã ở nước ngoài. Đối với tôi thì việc cả hai chúng tôi đều là người Nga rất quan trọng: tôi chỉ không hiểu cô ấy trong 50% các trường hợp.
  • Tôi giữ quan hệ với những người Nga khác ở Manchester, cũng như với người Anh, người Hà lan, người Ukraina, Brazil, Pháp, Ý, Pakistan, Ấn độ, Thuỵ điển, Thái lan, Trung quốc, và hơn chục dân tộc khác.
  • Không quan trọng là bạn làm việc ở đâu. Phương Tây hay phương Đông chỉ là các phương của trái đất. Nhưng tất nhiên là có những đặc thù của từng vùng: ví dụ ở Anh không ai can thiệp vào việc riêng của bạn.
  • Đặt câu hỏi, về lý thuyết thì trong hoàn cảnh nào tôi có thể  làm việc ở Nga, là sai. Về lý thuyết thì không trong bất cứ hoàn cảnh nào cả. Tôi dù sao cũng làm về thực nghiệm.
  • Tôi bình thản khi nghe các nhà báo Nga gọi tôi là “nhà khoa học Nga” mặc dù tôi làm việc ở Anh. Chỉ riêng việc người ta không quên từ “nhà khoa học” đã là quý rồi.
  • Khi tôi nhận giải Nobel, hình như cha mẹ tôi thậm chí không hề ngạc nhiên. Chẳng là các  bậc cha mẹ bao giờ cũng nghĩ con mình là nhất. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên về các con gái của mình.
  • Trong tất cả những điều cha mẹ đã dạy tôi, điều quan trọng nhất là cầm dĩa bằng tay trái, cầm dao bằng tay phải.
  • Tôi muốn học chơi piano. Tức là tôi có chơi, nhưng tôi muốn chơi để người khác có thể nghe được.
  • Không cần phải tập trung vào những thất bại.
  • Không bao giờ được đẩy các mối quan hệ đến mức bạn phải cắt đứt chúng. Cần đẩy quan hệ đến mức người khác tự cắt đứt quan hệ với bạn.
  • Tôi sẵn sàng bỏ bất cứ số tiền nào ra để mua một chút thời gian rảnh rỗi, nhưng hiện nay ta chỉ có thể vay mượn được nó. Trước sau rồi cũng sẽ phải trả lại.
  • Với tôi, một ngày lý tưởng là ngày khi đến tối bạn làm được một cái gì đó mà trước bạn chưa ai làm được. Ví dụ, bạn dạy con bạn đếm được đến 27, hay là làm được một cái transistor bé nhất thế giới.
  • Không quan trọng là làm nghề gì, chỉ cần càng ít cấp trên càng tốt.
  • Tôi không chia cuộc sống ra phần công việc và phần nghỉ ngơi. Ở nhà tôi bao giờ cũng nghĩ về vật lý, còn ở cơ quan thì nói chung tôi thư giãn tâm hồn.
  • Con người không bất tử, và tôi nghĩ về điều này với niềm hy vọng về những điều tốt đẹp hơn.

Konstantin Novoselov, đại học Manchester, giải Nobel vật lý 2010, Anna L’vova ghi lại.
Nguyên bản tiếng Nga: http://esquire.ru/wil/konstantin-novoselov

4 responses to “Quy tắc sống của Novoselov

  1. “Không bao giờ được đẩy các mối quan hệ đến mức bạn phải cắt đứt chúng. Cần đẩy quan hệ đến mức người khác tự cắt đứt quan hệ với bạn.”

  2. Bác này duyên quá. Cảm ơn bác Sơn.

    Văn phong dịch của bác Sơn trong bài này gợi nhớ mấy quyển sách từ xa xưa. Khi dịch từ tiếng Anh, cách hành văn thường khác hẳn.

  3. Có rất nhiều điều đáng học hỏi từ bài viết này. Novoselov là một nhà khoa học giản dị và đáng yêu.

  4. Thật thú vị ” Không quan trọng là làm nghề gì, chỉ cần càng ít cấp trên càng tốt” và ” Tôi không chia cuộc sống ra phần công việc và phần nghỉ ngơi. Ở nhà tôi bao giờ cũng nghĩ về vật lý, còn ở cơ quan thì nói chung tôi thư giãn tâm hồn”.

Leave a reply to chanthanh Cancel reply