Category Archives: Jokes

Cách ngôn toán học

Sự đểu giả của hắn không có giới hạn, không có đạo hàm và không biểu diễn được qua các hàm số sơ cấp.

Nếu tôi nhìn được xa hơn người khác đó là vì tôi đứng giữa vai của những người lùn (Sidney Coleman).

Tầm nhìn càng rộng thì góc nhìn càng tù.

Số máy quý khách vừa gọi là số thuần ảo. Xin quý khách vui lòng quay máy điện thoại 90 độ rồi gọi lại.

Xác suất bạn trúng xổ số độc đắc lần nào cũng như nhau và không phụ thuộc vào việc bạn có mua vé xố số hay không.

Minh Mạng vừa lên ngôi đã phải đối phó với cuộc khởi nghĩa của ba anh em Phan Bá Vành, Phan Bá Trường và Phan Bá Nhóm.

Địa ngục toán học là nơi bia đóng vào chai Klein.

Advertisement

Chuyện cười về ánh sáng và neutrino

1. – Thế nào là nhanh hơn ánh sáng?
– Là khi bạn mở tủ lạnh lấy được chai bia ra trước khi nhìn thấy đèn trong tủ lạnh sáng lên.

2. Giờ thi. Một sinh viên vào. Thầy giáo hỏi:
– Em cho biết ánh sáng chạy nhanh hơn hay âm thanh chạy nhanh hơn?
– Thưa thầy, ánh sáng chạy nhanh hơn.
– Tại sao em biết?
– Vì lúc em bật đài, đầu tiên em thấy đèn sáng, sau mới nghe thấy tiếng.
– Hai điểm, em về học lại.

Một sinh viên khác vào.
– Em cho biết ánh sáng chạy nhanh hơn hay âm thanh chạy nhanh hơn?
– Thưa thầy, âm thanh chạy nhanh hơn.
– Tại sao em biết?
– Vì lúc em bật ti vi, đầu tiên em thấy tiếng, sau mới thấy hình.
– Hai điểm, em về học lại.

Thầy giáo rất thất vọng. Khi sinh viên thứ ba vào, ông quyết định đổi câu hỏi cho dễ hơn.
– Em đứng bên này sông. Bên kia sông là một khẩu pháo. Khi khẩu pháo bắn, em sẽ nhìn thấy ánh lửa trước hay nghe thấy tiếng nổ trước?
Sinh viên nghĩ ngợi hồi lâu rồi trả lời:
– Thưa thầy, em sẽ nhìn thấy tia lửa trước.
– Em giải thích cho thầy tại sao?
– Vì mắt em gần khẩu pháo hơn là tai.

3. Nhà vật lý viết văn: “Bóng tối buông xuống với tốc độ ánh sáng”.

4. – Ai là người đầu tiên tìm ra tia X?
– Đó là Ivan đại đế của Nga, sống vào thế kỷ 16. Trước khi dùng dao đâm con trai, ông nói: “Tao nhìn thấu ruột gan mày!”

5. – Thí nghiệm nào là thí nghiệm đầu tiên tìm thấy neutrino từ mặt trời?
– Người ta thường nghĩ rằng đó là thí nghiệm Davis-Bahcall ở mỏ Homestake, bang South Dakota, Mỹ, bắt đầu năm 1968. Nhưng thực ra ngay năm 1967 nhà thơ Bùi Minh Quốc đã nhìn thấy neutrino từ mặt trời khi ông viết “Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất”.

Pinesian materials

Có một nhà vật lý Xô-viết tên là Boris Yakovlevich Pines (tiếng Nga họ ông ta Пинес đọc là pi-nes; có một nhà vật lý Mỹ tên là Pines [paɪns] không liên quan đến ông người Nga).  Ông Pines (Nga) có viết một số cuốn sách khá nổi tiếng ở Liên Xô trong những năm 1960 về ứng dụng của tia X.  Có một điều ít người biết là ông này đã tiên đoán có những vật liệu nở ra theo chiều rộng khi ta kéo nó dài ra. Bình thường, một khối chất (ví dụ như cao su) co lại theo chiều ngang nếu ta kéo nó giãn ra theo chiều dài. Nói theo ngôn ngữ vật lý thì ông Pines tiên đoán là tồn tại những chất với tỉ số Poisson âm, trong khi phần lớn các chất ta biết có tỉ số Poisson dương.

Tiếc rằng công trình của ông ta không được công bố, và khi các chất này bắt đầu được nghiên cứu nhiều (từ cuối những năm 80), thì người ta đặt tên cho chúng là auxetics. Nếu công trình của Pines được biết rộng hơn thì có khi bây giờ các chất này đã được gọi là Pinesian.

Các bạn có thể xem video sau đây về cấu tạo phân tử của các chất auxetic:

Tại sao công trình của Pines không được công bố? Có một câu chuyện như sau (theo Mark Perakh). Khi B.Ya.Pines đưa bản thảo cho Lev Landau, thì Landau xem qua và nói: “Pines, nếu đổi chỗ hai nguyên âm trong họ của anh thì sẽ được vật duy nhất mà nở theo chiều rộng khi dãn ra theo chiều dài”. Pines nghe thế thì cũng không gửi bản thảo đăng báo nữa. Có lẽ nếu Pines mang một họ khác thì câu chuyện đã không như vậy.

Một năm bằng bao nhiêu giây?

– Một năm bằng bao nhiêu giây?

– Không cần tính cũng có thể nói được ngay là một năm gần bằng π×107 giây.

– Tại sao lại có số π?

– Vì quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời là hình tròn.

– Tại sao lại 10 luỹ thừa 7?

– Vì một tuần có 7 ngày.

– Tại sao lại gần bằng, mà không phải là đúng bằng?

– Vì quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời thực ra không phải là hình tròn, mà là hình elíp.

Ba định luật của Ohm

Chắc ai cũng biết ba định luật của Newton. Nhưng chắc ít người nghe đến ba định luật của Ohm.

Trong cuốn “The Lightness of Being”, Frank Wilczek (giải Nobel vật lý năm 2004) có viết: Khi ông ta bắt đầu dạy ở Princeton, một giáo sư lớn tuổi hơn tên là Sam Treiman cho ông ta xem một cuốn sách mỏng vốn là tài liệu dùng để dạy vật lý cho lính hải quân Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Những người lính này phải học lắp ráp và vận hành radio thật nhanh. Cuốn sách này, theo ông Treiman, là một tuyệt tác về sư phạm, vì sử dụng nó ngay cả những thanh niên lớn lên ở những vùng sâu, vùng xa cũng học được đủ kiến thức vật lý để làm được việc này.

Chương 1 của cuốn sách này là “Ba định luật của Ohm”.

Định luật một là:

V=I R

trong đó V là hiệu điện thế, I là dòng điện, R là điện trở.

Sau khi giải thích xong định luật 1 của Ohm, cuốn sách chuyển sang trình bày định luật 2:

I = \dfrac VR

Các bạn có đoán được định luật 3 của Ohm như thế nào không?